Phan Anh Vũ - bậc thầy nghệ thuật tranh cát | Phan Anh Vũ

Phan Anh Vũ - bậc thầy nghệ thuật tranh cát

Những nét vẽ điêu luyện, uyển chuyển, những chuyển động mềm mại của cát hòa với âm thanh, ánh sáng thông qua chủ đề Chiến tranh thế giới thứ hai đã lay động mạnh mẽ trái tim của hàng triệu khán giả.

Điều này cũng đã thổi bùng lên đam mê của họa sĩ Phan Anh Vũ, một trong những người đầu tiên đem nghệ thuật tranh cát về với Việt Nam. Qua hơn 5 năm “ăn nằm với cát”, anh đã cho ra đời những tuyệt tác tranh cát để lại nhiều ấn tượng trong lòng công chúng yêu nghệ thuật, nhưng trong đó, khởi đầu cho sự nghiệp tranh cát phải kể đến tác phẩm Bonjous Việt Nam. Từ tác phẩm này, Anh Vũ đã bước chân vào con đường Nghệ thuật tranh cát trình diễn đến nay.

Với tuyệt tác vẽ tranh cát Bonjous Việt Nam, Phan Anh Vũ được mọi người biết đến nhiều hơn, được đi diễn nhiều hơn và đồng thời truyền đi niềm đam mê của mình đến với tất cả mọi người. Đây là tác phẩm khiến anh tự hào vì là tác phẩm mang đậm dấu ấn Việt Nam. Với những nét ve còn vụng về, mở đầu là những thửa ruộng mênh mông với con trâu cái cày, người nông dân đang căm cụi cấy lúa. Tiếp đó mái đình hiện ra thân thương cố hữu như câu ca ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Việt, với cây đa, bến nước, sân đình.

nghệ thuật tranh cát

Mái đình là biểu tượng đặc trưng ở nông thôn Việt Nam. Hình ảnh những con đò nối tiếp ngay sau được tái hiện rất chân thực. Anh sử dụng nguyên liệu là loại cát nhỏ, mịn, dễ tìm nhưng quá trình xử lý để trở thành nguyên liệu tranh cát rất công phu. Lúc mới bắt đầu, anh chỉ vẽ tranh cát trên một khung kính có một ngọn đèn nhỏ để tạo hiệu ứng nhưng khi tranh cát bắt đầu phát triển tại Việt Nam thì khung kính còn được nối với màn hình LCD, máy chiếu; kết hợp với âm nhạc, ánh sáng để có thể tập hợp nhiều cảm xúc lay động trái tim người xem.

Đối với nghệ thuật tranh cát, niềm đam mê và sự sáng tạo của người nghệ sĩ rất quan trọng. Họa sĩ Phan Anh Vũ chia sẻ: "Loại hình này khá kén chọn người học. Bởi nó đòi hỏi rất nhiều kỹ năng cùng lúc như: “Kiến thức hình họa, kỹ năng quay phim, xử lý âm thanh, xử lý hình ảnh đồ họa, xây dựng kịch bản, khả năng cảm thụ âm nhạc nhưng quan trọng nhất là khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ. Bởi thông thường các đạo diễn chương trình chỉ đưa cho anh những câu chủ đề chính, còn kịch bản diễn và vẽ sẽ do anh tự sáng tạo sao cho phù hợp, nhưng phải hay, độc đáo, hấp dẫn, hợp chủ đề và dễ truyền cảm đến nhiều người xem nhiều nhất.

Hình thức biểu diễn này tác động đến giác quan nghe nhìn nên rất cần một đôi tay khéo léo, nhanh nhẹn để gảy cát nhảy múa theo điệu nhạc. Có thể do vậy nên nhiều bạn trẻ ban đầu thường rất thích, nhưng khi bắt tay thực hiện thấy khó thì bỏ cuộc. Vì vậy nếu muốn theo đuổi lâu dài phải đam mê thực sự và lòng kiên trì.

Chính nhờ niềm đam mê không bao giờ vơi cạn mà Phan Anh Vũ đã thành công và ngày càng có nhiều tuyệt tác tranh cát được nhiều người yêu thích. Hi vọng rằng sự sáng tạo của anh sẽ luôn dồi dào để đưa bộ môn nghệ thuật độc đáo này đến gần với công chúng hơn.

Xem thêm: Lịch sử ra đời của tranh cát

Các bài viết khác